Đây là bản dịch của mình từ bài viết "12 thành phần đã bị cấm bởi Liên minh châu Âu nhưng vẫn tồn tại trong các sản phẩm làm đẹp ở thị trường Mỹ" của Kimberly Wang, đăng trên BuzzFeed ngày 5 tháng 4 năm 2014.
Giá cả mỹ phẩm ở châu Âu cao hơn ở Mỹ, số lượng sản phẩm lại không phong phú bằng Mỹ. Tuy nhiên, kiểm duyệt chất lượng và thành phần mỹ phẩm ở châu Âu gắt gao hơn ở Mỹ nhiều. Mình nghĩ rằng đây là một bài viết có ích cho những bạn hay mua mỹ phẩm từ thị trường Mỹ. Bạn sẽ nhận ra nhiều cái tên quen thuộc như Triclosan (kem đánh răng) hay Salicylic acid (chất trị mụn) đấy!
-------------------------------------------
Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành cấm vận cho hơn 1300 thành phần, trong khi Mỹ chỉ cấm hoặc hạn chế 11 thành phần.
1. Selenium sulfide: dùng để trị gàu, nhưng có thể gây ung thư
Ứng dụng: Chất trị gàu trong một số dầu gội.
Lý do bị cấm bởi EU: Theo nghiên cứu của Chương trình chất độc quốc gia Mỹ (The US' National Toxicology Program), nó là một chất có khả năng gây ung thư.
2. Hydroquinone: tẩy đốm da, nhưng có thể gây ung thư
Ứng dụng: Làm sáng da, làm mờ đốm da do sắc tố.
Lý do bị cấm bởi EU: Nghiên cứu trên chuột của Tạp chí Ung thư Anh (The British Journal of Cancer) cho thấy liều dùng cao có thể dẫn tới ung thư.
3. P-Phenylenediamine: giúp đổi màu tóc, nhưng có thể gây sưng phù và tử vong
Ứng dụng: Dùng trong thuốc nhuộm tóc, nhất là những màu nhuộm tối.
Lý do bị cấm bởi EU: Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (The US Environment Protection Agency), nó có thể gây viêm da, hen suyễn, và trong một số tình huống nghiêm trọng hơn, nó gây sốc phản vệ, dẫn tới tử vong.
4. Salicylic acid: chữa mụn, nhưng có thể gây ngộ độc
Ứng dụng: Ứng dụng phổ biến nhất là trị mụn trứng cá. Nó cũng có thể được dùng như một chất bảo quản.
Lý do bị cấm bởi EU: Việc sử dụng nó làm chất bảo quản vừa bị cấm vào tháng 2/2014. Nó có họ hàng gần với với Acetylsalicylic acid (thuốc aspirin), có thể gây ngộ độc salicylate và hội chứng Reye ở trẻ em và thanh thiếu niên, theo báo cáo của Ủy ban Khoa học châu Âu (The Scientific Committee - European Commission).
(Mình giải thích thêm một tí cho những bạn không biết về hội chứng Reye: hội chứng Reye có thể gây hạ đường huyết, phá hủy các cơ quan như não hoặc gan, và gây tử vong. Nguyên nhân chưa được xác định chính thức, nhưng người ta tìm thấy mối liên hệ giữa hội chứng này và việc cho trẻ em uống aspirin)
5. Formaldehyde: là một chất bảo quản hiệu quả và giúp sơn móng tay bám tốt hơn, nhưng nó có thể gây vấn đề đường hô hấp
Ứng dụng: Chất bảo quản, chất giúp sơn móng tay bám vào móng.
Lý do bị cấm bởi EU: Nó có thể tồn tại ở dạng khí khi kết hợp với các chất khác, dẫn đến việc người sử dụng hít phải nó. Đây là một chất gây ung thư (xác định bởi Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ rồi, chứ không phải "có thể" gì nữa), và có thể gây vấn đề hô hấp.
6. Quaternium-15: chất bảo quản trong mỹ phẩm, nhưng tạo ra Formaldehyde
Ứng dụng: Chất bảo quản trong nhiều loại mỹ phẩm, ví dụ như nước tẩy sơn móng tay hoặc phấn mắt.
Lý do bị cấm bởi EU: Tạo ra Formaldehyde (là chất vừa kể trên số 5 đó)
7. Talc: giúp da không bóng dầu, nhưng gây ung thư
Ứng dụng: Một chất khoáng thường được dùng trong mỹ phẩm dạng bột hoặc chất khử mùi
Lý do bị cấm bởi EU: Ở trạng thái tự nhiên, talc chứa asbestos, là một chất gây ung thư theo nghiên cứu của Hội Ung thư Mỹ (American Cancer Society). Chương trình chất độc quốc gia Mỹ (The US' National Toxicology Program) nghi ngờ thậm chí talc không chứa asbestos cũng có thể gây ung thư.
8. Titanium dioxide: lọc các tia UV, nhưng có thể gây ung thư
Ứng dụng: Chất lọc các tia cực tím trong kem chống nắng, đôi khi nó cũng được dùng làm chất mờ/chất màu trắng (opacifier/white pigment) trong sản phẩm trang điểm.
Lý do bị cấm bởi EU: Theo Hội Ung thư Mỹ, nó có thể gây ung thư khi hít phải và có thể làm ngộ độc các cơ quan trong cơ thể.
9. Triclosan: diệt vi khuẩn và bảo vệ nướu, nhưng có thể gây rối loạn nội tiết (hormones) hoặc suy tim
Ứng dụng: Chất chống viêm nướu trong kem đánh răng, chất diệt khuẩn trong xà bông cục, chất bảo quản.
Lý do bị cấm bởi EU: Theo nghiên cứu của các trường ĐH California, Davis, và Colorado, nó có thể gây suy tim và làm yếu chức năng của các cơ bắp. Theo nghiên cứu của trường ĐH Alabama, nó có thể gây hại cho hệ thống nội tiết, gây dị tật bẩm sinh và hệ thống miễn dịch suy yếu.
10. Butylparaben: chất bảo quản, nhưng có thể gây vô sinh ở nam giới
Ứng dụng: Một chất bảo quản phổ biến trong nhiều sản phẩm, ví dụ như kem dưỡng da, nước hoa, thuốc nhuộm tóc.
Lý do bị cấm bởi EU: Theo báo cáo của Khu Tam giác nghiên cứu (Research Triangle Park, North Carolina), nó đóng giả estrogen (hormone của cơ quan sinh dục nữ), gây hại đến cơ quan sinh sản nam ở loài chuột.
11. Zinc stearate: mang đến đôi má xinh xắn, nhưng gây khó thở
Ứng dụng: Chất tạo màu và chất chống đông cứng (anti-caking) trong mỹ phẩm, ví dụ như phấn má.
Lý do bị cấm bởi EU: Theo thông tin trên Mạng Thông tin chất độc (Toxicology Data Network) thuộc Sở Y tế Mỹ (The US Department of Health and Human Service), nó gây vấn đề hô hấp khi hít phải liều lượng cao.
12. Lead acetate: che tóc bạc, nhưng có thể gây ngộ độc chì
Ứng dụng: Dùng trong thuốc nhuộm tóc, nhất là các thuốc nhuộm tóc bạc.
Lý do bị cấm bởi EU: Theo Tạp chí của Hiệp hội Dược phẩm Mỹ (Journal of the American Pharmaceutical Association), có rất ít bằng chứng về việc chất này thấm qua da đầu khi nhuộm tóc. Tuy nhiên, nó có thể bám lại trên tay, lược, máy sấy, và người ta vô tình ăn phải, dẫn tới ngộ độc chì (co giật, hôn mê, tử vong)
-------------------------------------------
Bạn có thể nhận thấy phần lớn các thành phần này chỉ là "có thế gây ung thư", hoặc gây hại khi trúng phải "liều lượng lớn". Tuy nhiên, Liên minh châu Âu vẫn cấm hết cho chắc ăn. Trên tư cách là một người tiêu dùng (hay đúng hơn là một con nghiện mỹ phẩm), mình ủng hộ quan điểm này, "phòng bệnh hơn chữa bệnh" mà ^^
Tất cả credits về hình ảnh và links đến các nghiên cứu trên có thể được tìm thấy ở bài viết gốc (tiếng Anh).
No comments:
Post a Comment